Chú Giải Tin Mừng Thứ Bảy Tuần XX Mùa Thường Niên (Mt 23,1-12) | Giáo Phận Phú Cường

CHÚ GIẢI TIN MỪNG
THỨ BẢY TUẦN XX MÙA THƯỜNG NIÊN
TIN MỪNG: Mt 23,1-12

Noel Quesson - Chú Giải

Bài đọc I: Rt 2,1-3.6-11. 4,13-17

Chồng bà Nôêmi có một người họ hàng, là người quyền thế và giàu có, tên là Boor.

Trong cảnh cùng quẫn, hai người phụ nữ này có đủ can đảm và tưởng tượng để thúc ép định mệnh: họ bám víu vào người họ có thể … chẳng hạn, vào người bà con xa. Ai biết trước được là ông ta sẽ không giúp đỡ họ?

Bà Ruth người Moab. Thưa với mẹ chồng rằng: “Nếu mẹ cho phép con xin ra đồng mót lúa, nơi nào mà chủ ruộng nhân từ cho con mót”. Bất ngờ chủ ruộng ấy tên là Boor. Ong Boor bảo bà Ruth rằng: “Hỡi con hãy nghe đây, con đừng đi mót lúa ở ruộng khác, đừng rời khỏi nơi này: nhưng hãy đi theo các tớ gái của ta, chúng nó gặt ở đâu, con cứ đi theo đó, vì ta đã bảo các đầy tớ ta đừng ai làm phiền con. Cả khi con khát nước, cũng cứ đến các vò nước và uống nước mà các đầy tớ ta uống.

Đó là một người chính trực và nhân hậu đặc biệt.

Một lần nữa, chúng ta ở trước một trang báo trước Tin Mừng: “Ngươi hãy yêu thương người khác như chính mình … Ta đói, ngươi đã cho ăn, Ta khát, ngươi đã cho uống …”.

Bà sấp mình xuống đất, lạy ông mà nói rằng: “Bởi đâu tôi được ơn trước mặt ông, và ông đoái thương tôi là người phụ nữ ngoại bang?” Ong trả lời rằng: Ta đã nghe đồn mọi sự về con đã làm tốt đối với mẹ chồng, sau khi chồng con qua đời. Con đã lìa bỏ cha mẹ quê hương về đến cùng dân tộc mà trước đây con không hề biết.

Luôn luôn là một sự nhấn mạnh, và một bài học về “quan điểm rộng rãi” và “cõi lòng rực rỡ”.

Ong Boor cưới bà Ruth làm vợ. Ong ăn ở với bà.

Ở đây chúng ta có được hình ảnh cụ thể về khoảng luật Lêvi và Tin Mừng gọi lại: người bà con gần nhất phải tạo cho góa phụ có con nối dòng, như một loại tình liên kết bộ tộc (Đn 1. 25,5-10; Mt 22,24).

Chúa ban cho bà có thai, bà sinh được một con trai. Các phụ nữ nói cùng bà Nôêmi rằng: Chúc tụng Chúa là Đấng không nỡ để cho gia đình bà thiếu kẻ nối dòng và nguyện danh Chúa được ca tụng khắp Israel. Cầu Chúa bà có người an ủi tâm hồn và phụng dưỡng tuổi già, vì người đó sẽ sinh ra do người dâu yêu mến bà và người con dâu đó đáng quý hơn bảy người con trai.

Nên nghe lại cách đón tiếp “sự sống” “con trẻ” rất tế nhị và tự nhiên này.

Đây còn là thái độ của toàn thể các dân tộc nghèo, có thể, đặt vấn nạn cho các xã hội phương Tây bị cám dỗ ngừa thai một cách không kìm hãm, không hạn giới.

“Sự sống” được coi như “phúc lành” của Thiên Chúa: Thái độ thật lạc quan, trái ngược hẳn với nỗi buồn rầu rất đặc thù của các xã hội giàu có.

Các phụ nữ láng giềng nói: “Bà Nôêmi đã được một cháu trai”. Họ đặt tên cho con trẻ là Obed: Đó là thân phụ của Isaia, cha của Davit.

Mầu nhiệm của một cuộc hạ sinh, chính vì người ta không hề biết được con trẻ sẽ là “ai”: Thiên tài, nghệ sĩ, Thánh nhân, ân nhân của cả nhân loại.

Đây là vinh quang của các bà mẹ.

Và Davit sẽ sinh ra từ người phụ nữ Moab, dân tộc rất bị người Israel khinh bỉ (St. 19,37) và sinh ra từ một kẻ loạn luân: Mầu nhiệm biết bao các ý định cứu chuộc của Thiên Chúa.

Bài đọc II: Ed 43,1-7

Các đoạn cuối cùng của sách Êdêkien đều nói về thị kiến khá lạ lùng mà vị ngôn sứ tưởng tượng trước về ngày mai của Israel: ông phác họa các đường nét của một đền thờ tưởng tượng và hoàn mỹ, ông vạch ra các nghi lễ mới cho việc thờ phụng sau này, ông đoán trước nhiệm vụ của các tư tế sau cuộc lưu đày.

NGÀY NAY, chúng ta có đủ khả năng kiến tạo một mộng tưởng như vậy không?

Nào chúng ta có đủ khả năng, giữa lòng cuộc sống cơ cực hôm nay, để mơ tưởng đến sự toàn thiện mà mai này Thiên Chúa ban cho ta để chuẩn bị không?

Vị Thiên Sai của Giavê dẫn tôi đến tiền đường đền thờ mới, tiền đường hướng về hướng Đông …

Đền thờ tưởng tượng đã được định hướng. Mặt trời mọc, ùn vào qua một trong các cửa đền thờ. Mỗi buổi sáng, mặt trời mọc lên, chan hòa ánh sáng.

Và này vinh quang Thiên Chúa từ hướng Đông đi vào. Do đó, có tiếng như tiếng đại dương và đất rạng ngời vinh quang này.

Ở đây diễn tả: “vinh quang” “quyền lực” “cường độ” “sự hiện diện” của Thiên Chúa.

Phần tôi, tôi có đủ khả năng để cho vinh quang của Thiên Chúa chiếu ngời trên tôi không?

Tôi có đủ ngắm xem vinh quang Thiên Chúa rạng ngời trong vũ trụ không? Đối với tôi, thế giới phải chăng là một địa cầu đê tiện, lạt lẽo, tầm thường, giống trò chơi đơn giản của các lực lượng nặc danh và vật chất không? Hay là tôi thuộc hạng người, khi nhìn qua đó, thấy tỏ tường gương mặt của một Thượng Trí, và một tình thương khôn ví?

Phải chăng, đối với tôi, trái đất được chói lòa vinh quang của Đấng tỏa ngời ánh sáng đại dương, núi non, tinh tú – phải chăng là những dấu chứng nói cho tôi về Người?

Thị kiến này đã làm cho tôi nhớ lại điều tôi đã thấy khi tôi đến xem thành bị triệt hạ, và cảnh tượng tôi đã thấy trên bờ sông Kébar.

Chúng ta đã suy niệm cách thiết thực về Thiên Chúa loại bỏ Đền thờ (Ed. 9,10).

Người đã đi theo các kẻ bị lưu đày. Êdêkien đã gặp lại Người trong cảnh tượng nơi bờ sông Kébar. Và này đây khi các tín hữu trở về lại Giêrusalem, vinh quang Thiên Chúa cũng trở về.

Có cách nào nói rõ ràng hơn nữa, để nói về sự hiện diện của Thiên Chúa ở khắp nơi.

Bấy giờ tôi ngã sấp mặt xuống đất.

Lạy Chúa, mỗi lần đến trước Chúa, xin giúp chúng con biết chọn lựa những thái độ xứng hợp để dễ cảm nhận được sự hiện diện của Chúa.

Xin giúp chúng con biết sống kết hiệp với Đấng vô hình, bằng tất cả tâm hồn và thể xác, bằng trọn vẹn con người chúng con.

Vinh quang Giavê đã vào đền thờ qua tiền đường hướng về phía Đông. Thần Khí nâng bóng tối lên và đặt vào bên trong tiền đường và này vinh quang Giavê chan hòa đền thờ. Và tôi nghe một tiếng từ đền thờ phát ra: “Con người hỡi, đây là chỗ đặt ngai Ta, đất Ta đặt chân và Ta sẽ lưu ngụ giữa con cái Israel mãi mãi”.

Có những nơi cao trọng, những nơi đặc biệt cho Chúa hiện diện.

Tôi phải khám phá ra các nơi chốn ấy và biết tìm đến đó mà trầm tư mặc tưởng.

Nhờ các lời ấy mà Edêkien cố gắng đem lại niềm hy vọng cho các người bị lưu đày. Chúng ta đừng quên rằng, khi đọc lại các lời ấy, bề ngoài, xem như mâu thuẫn với mộng ước ấy.

Đối với ta cũng thế, sự hiện diện của Thiên Chúa không hiển nhiên để ta dễ chấp nhận, nhưng phải có một hành vi Đức Tin và Đức Cậy giúp tâm trí ta tìm hiểu tốt hơn.

BÀI TIN MỪNG: Mt 23,1-12

Trong chương 23, Mát-thêu tập hợp những lời nói của Đức Giêsu “chống lại Nhóm Pharisêu”.

Các kinh sư và các người thuộc Nhóm Pharisêu nối quyền ông Môsê mà giảng dạy.

Họ nắm quyền chính thức xét về phương diện tôn giáo. Đó là điều mà ngày nay ta gọi là “một nhóm có thế lực”.

Vậy, những gì họ dạy, thì anh em hãy làm, hãy giữ. Nhưng cách họ hành động, thì đừng có làm theo, vì họ nói mà họ không làm.

Phê phán thứ nhất: Đó là những người nói hay, những lý thuyết gia giỏi. Lý tưởng họ đưa ra thì sáng giá, nhưng thực sự họ không thi hành trong đời sống.

Lạy Chúa, xin giúp con biết khám phá ra sự sai lệch giữa “điều con nói” và “điều con làm”. Xin giúp con trở nên sáng suốt và thực tế.

Họ bó những gánh nặng và chất lên vai của người ta, nhưng chính họ lại không buồn động ngón tay vào.

Phê phán thứ hai: họ “ức chế” kẻ khác với những nguyên tắc cao đẹp của họ, họ rất khắt khe với kẻ khác, nhưng lại quá dễ với mình. Họ biết điều phải làm mà không thi hành …

Lạy Chúa, xin giúp con đối xử nhân hậu với kẻ khác, và luôn khe khắt với chính con. Xin hãy làm cho con thuộc vào số những người cất gánh nặng khỏi anh em … và bản thân đừng trở nên gánh quá nặng cho những người chung quanh.

Họ làm mọi việc cốt để cho thiên hạ thấy … những hộp kinh thật lớn, tua áo chỗ danh dự lời chào hỏi …

Phê phán thứ ba: Họ hành động không phải do Chúa, mà “cốt để cho thiên hạ thấy”. Họ tìm cách để được người khác kính trọng, để ý đến. Đó là cửa mở tới hư danh, cho những việc không đáng kể, lại có tầm quan trọng … dẫn đến thái độ giả hình, cố giữ vẻ bề ngoài đáng kính, trong khi toàn bộ bên trong đều thối nát …

Lạy Chúa, xin giúp con biết nhận ra trong con mọi thứ mầm mống Pharisêu này, chúng vẫn hiện diện ở đó.

Phần anh em, thì đừng có bắt ai gọi mình bằng Thầy, vì anh em chỉ có một Thầy … Anh em đừng gọi ai dưới đất này bằng Cha … Anh em cũng đừng bắt ai gọi mình là người lãnh đạo.

Đức Giêsu thực sự muốn bài trừ mọi “danh xưng” mà người ta có thể tự gán cho mình. Nhưng Người cũng lên án thái độ tự phụ cho mình là kẻ gìn giữ giáo lý đích xác: Đạo của Đức Giêsu không phải là một thứ tôn giáo “mô phạm”, với nghĩa xấu của từ này, nghĩa là tôn giáo có những người “thông giỏi” và có bổn phận truyền dạy sự hiểu biết của mình cho kẻ khác. Gặp gỡ Thiên Chúa, bước vào mối tương quan với Thiên Chúa, không phải là những đặc ân của những nhà chú giải, thần học gia hay các bậc thông thái. Bà lão già hèn mọn kia, suốt đời hy sinh và đơn thành cầu nguyện, có thể còn biết về Thiên Chúa hơn là các vị tiến sĩ thần học.

Còn tất cả anh em đều là anh em … Anh em chỉ có một Cha, là Cha trên trời … Anh em chỉ có một vị lãnh đạo, là Đức Kitô.

Phải, chính tông đồ cũng chỉ có bổn phận truyền đạt “những gì họ đã lãnh nhận”.

Không nên tranh cãi về từ ngữ, bởi vì tiếng nói luôn thay đổi, và những “từ” thời Đức Giêsu không cùng mang một âm hưởng gợi cảm như hôm nay nữa.

Trong những lời trên đây của Đức Giêsu, cũng ngầm đòi hỏi sự bình đẳng: giữa chúng ta, lối xưng gọi duy nhất thực sự hợp với tinh thần Tin Mừng, hẳn là kiểu xưng hô “anh em”! Nhưng vượt lên trên những từ ngữ, chính thái độ mới quan trọng.

Kitô hữu hôm nay có sẵn sàng cải đổi không?

Trong anh em, người làm lớn hơn cả, phải làm đầy tớ anh em. Ai tôn vinh lên sẽ bị hạ xuống, còn ai hạ mình xuống, sẽ được tôn vinh lên.

Cuối cùng, khi nào chúng con mới lắng nghe những lệnh truyền về khiêm nhường và phục vụ mà Chúa đã từng lặp đi lặp lại? Con dành thời gian để duyệt xét trong con mọi bản năng thích hơn người … mọi thái độ kiểu Pharisêu.

 

Giáo phận Nha Trang - Chú Giải

Các luật sĩ và biệt phái giả hình.

NHẬN THỨC VÀ ÁP DỤNG:

1. Trong đoạn Tin-Mừng này, qua sự khiển trách các luật sĩ và những người biệt phái, Chúa Giê-su muốn lưu ý chúng ta phải tránh sự không hợp lý và tính khoe khoang.

- Không hợp lý là: nói mà không làm, hoặc ngôn hành bất nhất. Điều này đòi hỏi người Tông Đồ, nhất là người có trách nhiệm giáo dục người khác, cần tránh kiểu lý thuyết suông, nhưng cần có chứng thực bằng đời sống phù hợp với lời mình rao giảng: lời nói đi đôi với việc làm.

- Tính khoe khoang: “họ thích được chào ngoài đường phố và được gọi là thầy”. Theo tinh thần của Chúa, thì những chức vụ và địa vị không nhằm mục đích để được hưởng thụ, để được vinh danh cho mình. nhưng là để phục vụ vì “người làm lớn hơn cả, phải là người phục vụ anh em”. Như vậy những tính cách thích khoe khoang háo danh, muốn hơn người hoặc tính ích kỷ vụ lợi…không phù hợp cho người Tông Đồ.

- Chúng ta có một mẫu gương sáng ngời về sự tự hạ, đó là Mẹ Maria:

* Trước ơn gọi làm Mẹ Đấng Cứu Thế. Mẹ đã tự coi mình là “Nữ tỳ của Thiên-Chúa”.

* Khi đã được phúc làm Mẹ Chúa Giê-su, Mẹ đã tự hạ làm người phục vụ Bà Êlisabét.

* Khi Chúa Giê-su đã nổi danh, Mẹ vẫn tự liệt mình vào hàng tôi tớ phục vụ tại tiệc cưới Cana.

*Thậm chí sau ngày Chúa sống lại và về trời, mẹ hiện diện với các Tông Đồ một cách âm thầm để cầu nguyện và giúp đỡ các ông.

2. Chúa Giê-su nhiều lần tranh luận và lên án các luật sĩ và biệt phái về tính giả hình, ưa chuộng hình thức bên ngoài mà tâm hồn thì trống rỗng! qua đó, Chúa Giê-su vừa cảnh giác chúng ta đề phòng những hạng người đó, vừa mời gọi chúng ta sống khiêm nhường, sống trung thực và phục vụ.

Sống trong thế giới đầy những phức tạp, trong xã hội đầy những gian xảo và đảo điên, có lẽ đức tính trung thực là cần thiết trong mối tương quan xã hội và cộng đoàn. Sống phải biết trung thực từ tư tưởng đến lời nói và việc làm.

Thái độ giả hình của các luật sĩ và biệt phái thúc đẩy chúng ta sống chính trực, công minh hơn trong tương giao với Chúa và tha nhân. Người ta có thể lừa dối nhau, sống giả hình trước mặt nhau, nhưng không thể che dấu được Thiên-Chúa.

3. Theo tinh thần Tin-Mừng người càng ở địa vị cao, hay càng muốn làm lớn, lại càng phải nhiệt thành phục vụ anh em!

-Chúa Kitô đã được vinh thăng làm vua mọi loài trên trời dưới đất và trong âm phủ, vì Người đã tự hạ, vâng phục cho đến chết trên thập giá vì lòng kính mến Chúa Cha và yêu thương nhân loại.

- Đức Giáo Hoàng được toàn thể kitô hữu hoàn cầu kính mến, vì người là tôi tớ của Chúa.

- Người mẹ trong gia đình được các con cái quý mến và hiếu thảo vì tận tuỵ hy sinh cho chúng.

Càng cho đi thì càng được nhận lại.

4. Để tạo sức mạnh cho lề luật, các luật sĩ đã áp đặt lên quần chúng những quy tắc nặng nề, nhưng chính họ lại không thực hành những quy tắc đó, điều này ngược hẳn với Chúa Giê-su là đấng chu toàn mọi lề luật, nhưng lòng người rất dịu dàng và luôn chú tâm đến những người phận nhỏ (Mt 11,28-30).

Trong vấn đề giữ luật cần phải khắt khe với chính mình, nhưng phải nhẹ nhàng và thích nghi với hoàn cảnh và điều kiện của tha nhân.

©2020 - GIÁO XỨ HƯNG VĂN. All rights reserved.